Công bố Quyết định Ga Hải Phòng trở thành “Điểm du lịch” và khai trương đoàn tàu chất lượng cao “Hoa Phượng Đỏ”

15:34 10/05/2025

Chào mừng kỷ niệm 70 năm giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2025) – Thành phố Anh hùng, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ -Hải Phòng 2025, sáng 10/5, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với Thành phố Hải Phòng long trọng tổ chức Lễ công bố Ga Hải Phòng trở thành “Điểm du lịch” và khai trương đoàn tàu chất lượng cao mang tên “Hoa Phượng Đỏ”. Tham dự chương trình, về phía các cơ quan trung ươg có các đồng chí: Lê Hải Bình - Uỷ viên Dự khuyết TƯ Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch; Trần Lan Phương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Hoàng Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Vận tải và An toàn Giao thông Bộ Xây dựng; Phạm Văn Thuỷ - Cục phó Cục Du lịch Quốc gia. Về phía địa phương có các đồng chí: Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Trần Thị Hoàng Mai - Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hải Phòng; Phạm Tuấn Long – Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm – TP. Hà Nội; Vũ Thị Kim Liên - Chủ tịch Liên hiệp phụ nữ TP Hải Phòng; đại diện lãnh đạo Công an thành phố Hải Phòng, các Vụ, ban, ngành Trung ương và địa phương.
Các đại biểu tham dự chương trình

Hải Phòng là một vùng đất miền cửa biển giàu bản sắc văn hóa với đậm đặc các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Hiện nay, Thành phố Hải Phòng có 942 di tích, trong đó có 1 di sản thiên nhiên thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 119 di tích quốc gia, 435 di tích thành phố, 22 bảo vật quốc gia và 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các di tích này kết hợp với những giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội không chỉ là điều kiện thuận lợi cho phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, mà còn trở thành không gian gìn giữ văn hóa; duy trì những giá trị của vùng đất và con người Hải Phòng.

Quang cảnh chương trình

Tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội dài 102 km được Thực dân Pháp khởi công xây dựng từ năm 1901. Sau 1 năm đoạn đường này được hoàn thành và được đưa vào sử dụng từ ngày 16-6-1902. Trước khi tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội được đưa vào khai thác, việc đi lại giữa Hà Nội và Hải Phòng được tiến hành bằng thuyền theo đường sông Hồng, mùa mưa phải mất 18 giờ, mùa cạn phải mất 24 đến 48 giờ.

Khi đường sắt được khai thông thì việc đi lại giữa hai địa phương chỉ mất 4 giờ. Tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội được đưa vào khai thác khi đó là một phương tiện vận tải hiện đại, tuyến đường này trở thành một chiếc cầu nối liền nhiều vùng của đất nước.

Đồng chí Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hải Phòng phát biểu tại chương trình

Ga Hải Phòng nằm trên Lý trình Km 101+750 thuộc tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng, được phân cấp là ga cấp I của ngành đường sắt. Giống như Nhà hát lớn Hải Phòng, Bảo tàng Hải Phòng hay một số trụ sở hành chính khác ở thành phố Cảng, ga Hải Phòng in đậm dấu ấn kiến trúc của người Pháp. Đây cũng được coi là một trong những nhà ga xe lửa đẹp nhất mà người Pháp để lại ở Việt Nam. Trải qua hơn 122 năm lịch sử, ga Hải Phòng vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính in đậm kiến trúc Pháp.

Đặc biệt, nhà ga Hải Phòng là nơi vinh dự được giao nhiệm vụ đón và đưa Bác Hồ trở về Hà Nội an toàn trong ngày 21/10/1946 sau khi Người thăm nước Pháp trở về Tổ quốc, dừng chân tại thành phố Hải Phòng. Ngày 21/10 đó đã trở thành Ngày truyền thống của ngành đường sắt Việt Nam và luôn là niềm tự hào của cán bộ công nhân viên ngành đường sắt.

Đồng chí Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch TP. Hải Phòng trao Quyết định công nhận điểm du lịch ga Hải Phòng

Từ khi đưa vào khai thác vận hành, ga Hải Phòng trở thành một chiếc cầu nối liền nhiều vùng của đất nước, tạo điều kiện và thúc đẩy sự giao lưu thương mại, văn hóa giữa những vùng miền. Không chỉ thúc đẩy sự giao lưu giữa các vùng trong phạm vi Việt Nam, ga Hải Phòng còn là điểm khởi đầu của tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội - Lào Cai - Vân Nam đi qua nhiều vùng khác nhau của hai nước Việt Nam và Trung Quốc, do đó nó còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển trao đổi thương mại, văn hóa giữa hai nước.

Các đại biểu thực hiện nghi thức gắn biển cho Ga Hải Phòng trở thành điểm du lịch của TP.Hải Phòng

Đoàn tàu Hoa Phượng Đỏ là một dự án du lịch mang tính biểu tượng của thành phố và được hoàn thiện vào đúng vào dịp tháng 5 chào mừng kỉ niệm 70 năm Ngày giải phóng của Hải Phòng- Thành phố Hoa Phượng Đỏ.

Ngoại thất của toa xe được thiết kế với màu đỏ chủ đạo của Hoa phượng đỏ và biểu tượng của thành phố Hải Phòng vừa được lựa chọn năm 2024.

Chỉ cần nhìn bên ngoài toa tàu, người dân và du khách sẽ dễ dàng nhận biết đây là đoàn tàu đưa hành khách đến với thành phố cảng với hình ảnh cánh Hoa Phượng đỏ, 3 con sóng tượng trưng cho 3 trận thủy chiến đánh đuổi quân xâm lược trên dòng sông Bạch Đằng, những tòa nhà cao tầng, cầu vượt biển Tân Vũ-Lạch Huyện...

Các đại biểu tham quan Ga Hải Phòng

Bên trong toa xe được thiết kế hiện đại, có không gian nội thất sang trọng, màu sắc và đường nét thiết kế của đoàn tàu được chọn theo phong cách Indochine (Đông Dương), kết hợp giữa đường nét hiện đại và màu sắc truyền thống Á Đông, hướng tới sự lịch thiệp, sang trọng và gợi nhớ đô thị cổ phong cách Đông-Tây hài hòa với lịch sử giao thoa kiến trúc, văn hóa đa dạng của thành phố cảng.

Đoàn tàu gồm có 2 toa VIP chứa 16 ghế sofa đơn, 5 bộ sofa dài (20 chỗ ngồi) được bố trí trong ba không gian khác nhau. Toa VIP có sàn gỗ tự nhiên, nội thất sang trọng, wifi miễn phí, quầy bar...

18 toa còn lại có 56 ghế xoay, nền lát thảm nhựa, thành toa ốp nhựa vân đá, trần có đèn led trang trí. Đây cũng sẽ là đoàn tàu có hệ thống nhà vệ sinh hiện đại và rộng rãi nhất của ngành đường sắt với tầm nhìn thông thoáng, tiện nghi dành cho khách đi tàu. 

Các đại biểu tham quan đoàn tàu chất lượng cao “Hoa Phượng Đỏ”

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hải Phòng nhấn mạnh, sự kiện Ga Hải Phòng trở thành “Điểm du lịch” thứ 12 của Thành phố đã ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ và người lao động của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nói chung và Ga Hải Phòng nói riêng trong việc giữ gìn một công trình kiến trúc đẹp mang tính biểu tượng của thành phố, cùng với Nhà hát thành phố và Bưu điện trung tâm thành phố.

Đồng thời khẳng định sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Đường sắt Việt Nam và chính quyền thành phố Hải Phòng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích, từng bước xây dựng Ga Hải Phòng không chỉ là nơi đón đưa hành khách đi tàu mà trở thành một điểm hẹn văn hóa du lịch, nơi khởi đầu cho hành trình khám phá vẻ đẹp và tinh hoa ẩm thực nổi tiếng của thành phố Hoa Phượng đỏ.

Các đại biểu tham gia thực hiện lễ gắn biển Công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2025-2030
Các đại biểu tham gia Lễ Khai trương Đoàn tàu "Hoa Phượng Đỏ"

Để khai thác hiệu quả Điểm du lịch Ga Hải Phòng, đồng chí Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hải Phòng đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục quan tâm thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Ga Hải Phòng đồng bộ và hiện đại, đổi mới và gia tăng chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc sắc, chất lượng cao gắn với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, kiến trúc. Từng bước xây dựng Ga Hải Phòng là điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế.

VŨ DUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông