19:43 27/04/2025 Hòa chung trong không khí hào hùng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), đồng thời ghi dấu ấn cho cột mốc vàng son kỷ niệm 65 năm thành lập Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (19/5/1960 - 19/5/2025), trong 3 ngày 24, 25 và 27/4, Nhựa Tiền Phong đã lần lượt khánh thành cụm 3 cây cầu dân sinh trong khuôn khổ chương trình “Cầu nối Yêu thương” tại 3 tỉnh Long An, Kiên Giang và Hậu Giang.
Đây không chỉ là những công trình hạ tầng đơn thuần, mà còn là biểu tượng cho hành trình 65 năm đồng hành, cống hiến và sẻ chia của Nhựa Tiền Phong cùng sự phát triển của đất nước. Chuỗi sự kiện là minh chứng rõ nét cho mục tiêu phát triển bền vững, gắn liền trách nhiệm xã hội với từng bước trưởng thành của doanh nghiệp.
Ba cây cầu, ba vùng đất khác nhau nhưng cùng chung một sứ mệnh là gắn kết yêu thương, mở ra những cơ hội mới cho các vùng quê còn nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông. Những nhịp cầu mới không chỉ giúp dòng người qua lại thuận tiện hơn, các em nhỏ được đến trường an toàn hơn mà đó còn là niềm tin về một tương lai tươi sáng, nơi mà khoảng cách địa lý không còn là rào cản của sự phát triển.
Mở đầu hành trình là “Cầu nối Yêu thương” số 103, hay còn gọi là cầu 30/4 đã chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng vào ngày 24/4/2025 tại ấp Ông Quới, xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.
Với chiều dài 46m, rộng 5m, tải trọng 8 tấn, cây cầu là công trình quan trọng giúp người dân nơi đây cải thiện điều kiện giao thông hạn chế, kinh tế chậm phát triển. Với tổng kinh phí xây dựng hơn 1,5 tỷ đồng, cây cầu không chỉ giúp hàng trăm hộ dân địa phương an toàn đi lại, đặc biệt trong mùa mưa lũ, công trình còn mở ra cánh cửa kết nối giao thương, vận chuyển nông sản và nâng cao đời sống.
Cây cầu đã trở thành biểu tượng của sự đồng hành trách nhiệm giữa doanh nghiệp và cộng đồng, cùng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tiếp bước hành trình là “Cầu nối Yêu thương” số 113 được khánh thành vào ngày 25/4 tại xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang - một địa phương còn nhiều khó khăn với hệ thống giao thông kênh rạch chằng chịt.
Dù có quy mô nhỏ hơn, chỉ dài 17m, rộng 3,5m, tải trọng 3 tấn nhưng ý nghĩa mà cây cầu mang đến rất lớn về mặt an toàn giao thông, đặc biệt cho các em nhỏ đến trường mỗi ngày. Với kinh phí tài trợ gần 400 triệu đồng, cây cầu đã biến ước mơ của hơn 300 hộ dân trở thành hiện thực, mang hy vọng đến nơi vùng quê nghèo khó.
Lễ khánh thành đã được diễn ra trong không khí ấm áp, chan hòa tình làng nghĩa xóm - nơi chính quyền, doanh nghiệp, nhóm thiện nguyện và người dân cùng nhau viết nên một câu chuyện thật đẹp về sự sẻ chia.
Điểm đến cuối cùng trong hành trình lần này là “Cầu nối Yêu thương” số 118 - cây cầu bắc qua dòng kênh Trực Thăng tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Đây là khu vực từng bị ảnh hưởng bởi hạ tầng yếu kém, khiến cuộc sống mưu sinh của hàng trăm hộ dân tại xã Vĩnh Viễn A và thị trấn Vĩnh Viễn gặp nhiều khó khăn.
Trước đây, người dân chỉ có thể di chuyển qua cây cầu nhỏ, chật hẹp, đã xuống cấp nghiêm trọng, việc đi học, đi làm, vận chuyển hàng hoá gặp nhiều hạn chế, nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ. Giờ đây, cây cầu mới dài 54m, rộng 4,5m, tải trọng 5 tấn, được xây dựng bằng bê tông cốt thép kiên cố với tổng kinh phí gần 2,5 tỷ đồng do Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong tài trợ, không chỉ thay đổi diện mạo hạ tầng mà còn thắp lên hy vọng về một cuộc sống an toàn và trọn vẹn hơn cho cộng đồng địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Thức - Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong xúc động chia sẻ: “Mỗi cây cầu được hoàn thành không chỉ là một công trình mang dấu ấn tri ân nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập công ty, mà còn là biểu tượng của hành trình Nhựa Tiền Phong gắn bó với cộng đồng.
Mỗi cây cầu được Nhựa Tiền Phong hoàn thiện là một niềm vui, một niềm tự hào. Và cây cầu hôm nay lại mang một ý nghĩa đặc biệt hơn cả - bởi buổi lễ khánh thành diễn ra đúng vào dịp cả nước kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một cột mốc lịch sử thiêng liêng nhắc nhớ về sức mạnh đại đoàn kết, lòng yêu nước và khát vọng vươn lên của dân tộc.
Đồng thời, năm 2025 cũng là cột mốc quan trọng, đánh dấu hành trình 65 năm phát triển bền bỉ của Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong - một doanh nghiệp của người Việt luôn gắn bó với sự phát triển của đất nước và cộng đồng”.
Những lời chia sẻ chân thành ấy không chỉ truyền cảm hứng mạnh mẽ mà còn khẳng định vai trò tiên phong của một thương hiệu Việt trên hành trình đồng hành cùng chính quyền và Nhân dân vì sự phát triển bền vững của đất nước; mang thêm niềm vui đến với người dân địa phương.
Tại lễ khánh thành, chương trình “Cầu nối Yêu thương” đã trao 80 phần quà tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách và 60 suất học bổng dành cho học sinh giỏi vượt khó tại 3 địa phương: Long An, Kiên Giang và Hậu Giang. Thông qua những món quà ý nghĩa này, Nhựa Tiền Phong mong muốn gửi gắm tình yêu và sự sẻ chia đến với bà con, qua đó hy vọng sẽ tiếp thêm động lực, giúp bà con thêm vững tin vào một cuộc sống đổi thay từng ngày.
Đại diện chính quyền địa phương, ông Nguyễn Vũ Trường - Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ ghi nhận những đóng góp thiết thực và đầy trách nhiệm xã hội của Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đối với địa phương. Ông hy vọng rằng cây cầu mới không chỉ rút ngắn khoảng cách địa lý, mà còn mở ra một hành lang kết nối phát triển, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện điều kiện tiếp cận y tế, giáo dục và giao thương cho người dân, đồng thời thúc đẩy hiệu quả các chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ngày 27/4, tại Trường Tiểu học Phạm Thị Gạo - nơi được ví như “ngọn đèn tri thức” của vùng đất Vĩnh Viễn A (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), lễ khánh thành “Cầu nối Yêu thương” số 118 đã được diễn ra với sự tham dự của bà Lê Thị Thanh Lam - Ủy viên BCH Đảng bộ Tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, cùng đại diện lãnh đạo các cấp, nhà tài trợ và đông đảo bà con Nhân dân địa phương. Đây cũng chính là cây cầu thứ tư Nhựa Tiền Phong dành tặng cho bà con tỉnh Hậu Giang.
Phát biểu tại lễ khánh thành cầu, bà Thanh Lam nhấn mạnh: “Việc cây cầu được hoàn thành và khánh thành đúng dịp Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt - đó không chỉ là một công trình dân sinh, mà còn là biểu tượng sinh động cho tinh thần đoàn kết, đồng lòng giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp, cùng hướng tới mục tiêu phát triển đất nước giàu mạnh”.
Lễ khánh thành các cây cầu khép lại trong tiếng cười rạng rỡ, ánh mắt hân hoan và cả những giọt nước mắt xúc động. Nhưng với Nhựa Tiền Phong, đây chỉ là một điểm dừng trên hành trình dài phía trước. Vẫn còn những vùng quê cần những nhịp cầu mới, vẫn còn nhiều mảnh đời cần được nâng bước. “Cầu nối Yêu thương” sẽ tiếp tục những câu chuyện kết nối yêu thương mới như tinh thần bất diệt của những ngày tháng Tư lịch sử của dân tộc, như “Dòng chảy Khát vọng” không ngừng vươn xa của Nhựa Tiền Phong trong hành trình 65 năm xây dựng và trưởng thành.
Được khởi xướng và triển khai từ tháng 10/2017, sau gần 8 năm triển khai khắp mọi miền Tổ quốc, gần 120 cây cầu mang màu xanh hy vọng đã được xây dựng và đưa vào sử dụng, chương trình “Cầu nối Yêu thương” đã trở thành một hành trình bền bỉ, lan tỏa yêu thương từ vùng núi phía Bắc xa xôi đến những dòng sông trĩu nặng phù sa ở miền Tây Nam Bộ. Mỗi cây cầu là một nhịp nối yêu thương - nơi con người xích lại gần nhau, nơi doanh nghiệp gắn bó cùng cộng đồng.
PV
22:02 06/05/2025
Hải Phòng rực rỡ cờ hoa chào đón các ngày lễ lớn trong tháng 5 lịch sử
Lan tỏa tình yêu biển đảo, hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát biển đến với thiếu nhi thành phố Cảng
Thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính trên địa bàn Hải Phòng