Đại biểu Quốc hội Hải Phòng đóng góp nhiều ý kiến vào các dự án Luật

11:21 11/05/2025

Trong 2 ngày 9 và 10-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời thảo luận tổ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đại biểu Quốc hội Hải Phòng đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện nội dung các dự án Luật.

Đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách Chiến lược Trung ương phát biểu thảo luận tổ về  dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.

     Góp ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách Chiến lược Trung ương, đại biểu Quốc hội Hải Phòng nhận định, việc sửa đổi bổ sung Luật lần này có thể coi là một cuộc cách mạng về quy hoạch. Theo đại biểu Trần Lưu Quang, dự thảo Luật có 4 điểm tích cực. Cụ thể, chỉ quy định khung, chi tiết để địa phương tự quyết; phân cấp mạnh về thẩm quyền; mở rộng hơn, thoáng hơn; giảm bớt nhiều thủ tục. Đại biểu đề nghị, nếu dự thảo Luật được thông qua và qua một thời gian thực hiện  nếu bộc lộ bất cập cần tiếp tục sửa để bảo đảm hoàn thiện hơn, đáp ứng yêu cầu thực tế.

          Đại biểu Trần Lưu Quang  cũng nêu rõ, hiện nay, về tính chất, nội hàm các quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương không phù hợp nữa khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Do đó, đại biểu lưu ý khi chuẩn bị văn kiện đại hội Đảng nhiệm kỳ 2025-2030 của các tỉnh mới sau sáp nhập, cần  đưa vào nội dung quy hoạch cần thiết, cấp bách nhất để bảo đảm có thể thực hiện được ngay trong khi chờ sửa các quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương liên quan vì nghị quyết đại hội Đảng được coi là một cơ sở chính trị quan trọng để triển khai thực hiện trong thực tế.

Phát biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số có nhiều đặc thù, như diễn biến rất nhanh chóng với nhiều công nghệ đột phá. Vì vậy, cần đưa vào dự thảo Luật quy định về một số cơ chế phân bổ ngân sách cho phát triển công nghiệp công nghệ số đối với các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách phát sinh ngoài kế hoạch dự toán ngân sách hàng năm, không phụ thuộc vào kết quả sử dụng ngân sách đã được phân bổ của năm trước đó nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

         Về các chính sách thu hút nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao tại Điều 18 dự thảo Luật, đại biểu Lã Thanh Tân nhận thấy, nội dung này "rất mạnh dạn và tiến bộ". Để thực hiện được các chính sách này, cụ thể là khoản 4 Điều 18 liên quan đến chi trả chế độ, chính sách cho nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao được điều chuyển, biệt phái giữa khối doanh nghiệp và khối nhà nước, đại biểu Lã Thanh Tân  đề nghị, nên sửa các quy định liên quan trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) lần này nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi của quy định.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu thảo luận tại hội trường

Về Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, để tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 57 và trong điều kiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, năng lượng tái tạo và công nghệ mới (như AI, IoT, big data...), tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật không chỉ giới hạn trong hàng hóa, sản phẩm truyền thống mà còn liên quan đến thuật toán, dữ liệu, mô hình vận hành…, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung về việc điều chỉnh đối tượng mới phát sinh như sản phẩm số, dịch vụ kỹ thuật số, nền tảng công nghệ…

Đại biểu cũng cho rằng, các quy định về xã hội hóa tiêu chuẩn trong dự thảo Luật vẫn chưa thật sự đủ mạnh để tạo chuyển biến thực chất. Do đó, cần có quy định về cơ chế bảo đảm quyền và lộ trình xử lý xác đề xuất xã hội hóa, chẳng hạn như “Các tiêu chuẩn kỹ thuật được đề xuất bởi tổ chức khoa học công nghệ hoặc hiệp hội có đủ năng lực sẽ phải được đưa vào chương trình xây dựng tiêu chuẩn quốc gia/nhà nước trong thời hạn 12 tháng kể từ khi đủ hồ sơ”. Đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định rõ quy trình phản biện độc lập đối với tiêu chuẩn do khu vực tư nhân đề xuất; quy định giao Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định lại toàn bộ tiêu chuẩn đề xuất, bảo đảm tiêu chí khách quan, công bằng, minh bạch; đề nghị bổ sung cơ chế cho phép áp dụng thử nghiệm tiêu chuẩn kỹ thuật do tổ chức ngoài nhà nước xây dựng, trong các điều kiện kiểm soát nhất định, làm cơ sở thực tiễn để sớm chuyển hóa thành quy chuẩn kỹ thuật.

          Theo đại biểu, hiện nay, nhiều địa phương ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương, nhưng lại không rõ căn cứ pháp lý, gây trùng lắp, mâu thuẫn với quy chuẩn quốc gia hoặc luật chuyên ngành hoặc ban hành quy chuẩn trái thẩm quyền, hoặc gắn tiêu chuẩn thành điều kiện bắt buộc trong quản lý hành chính. Thậm chí, có tình trạng mỗi địa phương một kiểu áp dụng, làm doanh nghiệp gặp rào cản khi triển khai dự án liên vùng (ví dụ như trong xây dựng, môi trường, an toàn thực phẩm…).

Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc làm rõ thẩm quyền ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương, quy định rõ trong trường hợp nào UBND cấp tỉnh được ban hành quy chuẩn địa phương, điều kiện gì, có cần ý kiến thẩm định của bộ chuyên ngành hay không.

Đồng thời thiết lập cơ chế rà soát, giám sát, thống nhất áp dụng giữa trung ương và địa phương, giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thiết lập Cơ sở dữ liệu quốc gia về quy chuẩn kỹ thuật địa phương, giúp các địa phương tham chiếu chéo và doanh nghiệp dễ tiếp cận; bổ sung nguyên tắc về xử lý xung đột pháp luật giữa quy chuẩn kỹ thuật địa phương và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, ưu tiên áp dụng quy chuẩn quốc gia nếu có sự chồng lấn, trừ khi được cho phép theo quy định riêng; nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế xử lý, thu hồi quy chuẩn địa phương ban hành trái thẩm quyền hoặc nội dung sai.

Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị nghiên cứu, bỏ yêu cầu chứng nhận,công bố hợp quy đối với sản phẩm khi dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp đã được chứng nhận đạt GMP, HACCP, ISO 22000... vì đây là một hướng đi hợp lý, phù hợp với tinh thần cải cách hành chính và thông lệ quốc tế. 

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) phát biểu thảo luận tổ

          Góp ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cho rằng, dự thảo Luật Quy hoạch bỏ đi thói quen làm quy hoạch tràn lan, tốn rất nhiều tiền. Tuy nhiên, cũng cần làm rõ bài học thành công hay thất bại của các  Luật Quy hoạch trước để có sự sửa đổi thật sự phù hợp, cũng không nên quá nôn nóng dễ dẫn tới khó thành công.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi đồng tình cao về sự phân cấp mạnh của dự thảo Luật trong quy hoạch nhưng cũng đề nghị phải quy định rõ để quy hoạch nói chung phải đi trước các hành động phát triển, nếu đi sau chỉ là để giải quyết hậu quả. Từ đó, Luật nên bổ sung nếu thực hiện quy hoạch chậm sau một thời gian cụ thể thì có chế tài xử lý, nếu không quy hoạch sẽ vẫn đi sau và không phát huy được tác dụng.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần quan tâm hơn tới quy hoạch không gian biển, bảo đảm áp dụng được cả ở cấp quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương được tiếp cận, vừa bảo đảm tính bảo mật vừa chi tiết hóa quyền không gian đã được quy hoạch  để phục vụ yêu cầu phát triển./.

                                                                                                                                      Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông