Quốc hội thảo luận về 2 dự án luật

10:42 10/05/2025

Ngày 9-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và Luật Công nghiệp công nghệ số.

                                        Cân nhắc trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng

          Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội  là việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml. Theo đại biểu, trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu nhiều áp lực từ bên ngoài và còn nhiều bất ổn ở khu vực tiêu dùng, dịch vụ thì việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường cần được cân nhắc một cách kỹ lưỡng để đảm bảo tính bao quát, toàn diện.     

Theo các đại biểu, việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu nguy cơ thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống. Tuy nhiên, việc này ở thế giới và tại Việt Nam cũng có những nghiên cứu về lĩnh vực này nhưng lại chưa có cơ sở khoa học vững chắc để khẳng định rằng, nước giải khát có đường là nguyên nhân chính và duy nhất gây ra tình trạng thừa cân, béo phì.

Đại biểu Quốc hội góp ý kiến vào dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) 

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thừa cân, béo phì là hệ quả của nhiều nguyên nhân như thói quen ít vận động, chế độ ăn uống không hợp lý, yếu tố di truyền hoặc bệnh lý. Hơn nữa, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách năm 2023 đã chỉ ra rằng, học sinh khu vực thành thị có tỷ lệ béo phì cao hơn nhưng lại tiêu thụ nước ngọt thường xuyên thấp hơn học sinh khu vực nông thôn. Mặt khác, việc hấp thụ đường còn tùy vào cơ địa của từng người. Điều này cho thấy chưa đủ cơ sở khoa học để quy kết nước giải khát có đường là nguyên nhân chính gây ra thừa cân, béo phì.

Ngoài ra, việc chỉ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên nhóm nước giải khát đóng gói sẵn có hàm lượng đường trên 5g/100ml có thể gây hiểu nhầm và dẫn đến hành vi tiêu dùng thay thế không mong muốn. Người tiêu dùng có thể chuyển sang các loại thực phẩm và đồ uống khác có hàm lượng đường tương đương hoặc cao hơn nhưng không thuộc diện chịu thuế. Ví dụ trà sữa, nước trái cây đường phố, cà phê pha sẵn. Những nước uống này vốn khó kiểm soát cả về chất lượng và hàm lượng đường.

Đánh giá việc tác động của áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường có thể ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và sản phẩm tự nhiên khác, đại biểu  cho rằng, khái niệm nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn của Việt Nam chưa được định nghĩa cụ thể, dẫn đến lo ngại sản phẩm tự nhiên như nước dừa, nước trái cây có thể bị đánh đồng với nước ngọt có ga. Thực tế, có khoảng 200.000 nông dân trồng dừa và hàng trăm doanh nghiệp chế biến rất lo lắng sản phẩm nước dừa chế biến của họ có thể bị coi là nước giải khát chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc áp dụng mức 10% cho nước gọt có ga là chưa phù hợp, ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp.

          Theo đại biểu, trong bối cảnh hiện tại, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức, sức mua suy giảm, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thị trường lao động chưa phục hồi hoàn toàn và các chính sách hỗ trợ hậu COVID-19 đang trong quá trình chuyển tiếp thì việc đưa vào áp dụng một sắc thuế mới hoặc điều chỉnh tăng thuế suất nếu thực hiện quá sớm có thể làm gia tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng, tổng cầu và ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, kiến nghị cần lùi thời điểm áp dụng quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có hàm lượng đường 5g/100ml bắt đầu từ năm 2028 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiên cứu, điều chỉnh sản phẩm, đầu tư, đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm thay thế.

Đại biểu cũng đề nghị nên áp dụng lộ trình tăng dần theo từng giai đoạn, ví dụ thay vì 8% thì có thể từ 3% - 7% rồi đến 10% để giúp doanh nghiệp có thời gian thích nghi, đồng thời có thể xem xét áp dụng mức thuế khác nhau tùy hàm lượng đường trong sản phẩm nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công thức theo hướng giảm đường, hướng đến tiêu dùng lành mạnh.

           Về đối tượng chịu thuế là điều hoà nhiệt độ, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính cPhan Văn Mãi, hiện nay nhu cầu sử dụng điều hòa đã trở nên phổ biến để đáp ứng nhu cầu của người dân. Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định điều hòa nhiệt độ có công suất trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB (không thu thuế với máy điều hoà có công suất nhỏ hơn 18.000 BTU và trên 90.000 BTU).

          Đại biểu cho rằng, quy định nêu trên chưa hợp lý, vì  máy điều hòa nhiệt độ ngày nay không còn là hàng xa xỉ, mà đã trở thành nhu cầu phổ biến, thiết yếu cho đời sống người dân ở cả đô thị và nông thôn, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm nhiệt độ tăng cao. Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa (vốn nhằm mục tiêu hạn chế tiêu dùng) thực tế không làm giảm nhu cầu;dù thuế cao, người dân vẫn phải sử dụng để bảo đảm sinh hoạt và sức khỏe.

Đại biểu  đề xuất, nên bãi bỏ hoặc thu hẹp đối tượng điều hòa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, theo đó loại bỏ điều hòa nhiệt độ dân dụng (dưới 90.000 BTU) ra khỏi danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trường hợp vẫn cần điều tiết, thì chỉ nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với hệ thống điều hòa công suất cực lớn (phục vụ không gian rộng đặc biệt) và cần đánh giá kỹ hiệu quả.

          Cùng với đó, cần khuyến khích tiết kiệm năng lượng thông qua biện pháp khác. Thay vì đánh thuế, Nhà nước nên siết chặt tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng đối với điều hòa và tuyên truyền người dân sử dụng tiết kiệm điện. Các giải pháp khoa học công nghệ, như phổ biến cảm biến nhiệt thông minh, vật liệu cách nhiệt tốt trong xây dựng... cần được thúc đẩy để giảm nhu cầu sử dụng điều hòa mà không ảnh hưởng đến tiện nghi của người dân.

Liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện và xe sử dụng năng lượng sạch, đại biểu đề nghị, mở rộng ưu đãi thuế cho mọi dòng xe sử dụng năng lượng sạch.

Đối với xăng và các nhiên liệu truyền thống, đại biểu đề xuất, nên cơ cấu lại chính sách thuế với xăng dầu theo hướng cân nhắc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng khoáng trong dài hạn, thay vào đó tăng dần thuế bảo vệ môi trường hoặc các cơ chế định giá phát thải carbon.

                                               Rà soát kỹ Luật Công nghiệp công nghệ số để tránh trùng lặp

Thảo luận về dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, đại biểu Quốc hội nêu rõ: đây là dự luật có kỹ thuật lập pháp phức tạp, liên quan đến nhiều luật chuyên ngành khác đã và đang được sửa đổi trong cùng kỳ họp. Theo đại biểu, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số hiện đang dẫn chiếu hoặc quy định sửa đổi nhiều nội dung của các luật chuyên ngành như Luật Thuế xuất nhập khẩu, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong khi đó, các luật này cũng đang được Quốc hội xem xét sửa đổi tại kỳ họp này. Việc để cùng một nội dung được sửa ở nhiều luật trong cùng kỳ họp sẽ gây khó khăn lớn khi triển khai, dễ phát sinh chồng chéo, thiếu nhất quán trong hệ thống pháp luật.

Phân tích mối quan hệ giữa dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp - 2 luật được trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp này, đại biểu cho biết: dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đang có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến chính sách thuế, như ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 15 năm; cho phép doanh nghiệp được trừ 150% chi phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị sản xuất, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể trừ đến 200%...

Tuy nhiên, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành chỉ cho phép áp dụng hệ số chi phí cao hơn đối với các khoản chi cho nghiên cứu, phát triển công nghệ, chứ không áp dụng cho đầu tư tài sản cố định. Nếu mở rộng ưu đãi như quy định trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số thì về bản chất là Nhà nước đang hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư tài sản của doanh nghiệp - điều này có thể làm lệch chuẩn nguyên tắc điều tiết thuế. 

Đáng lưu ý, cả 2 dự thảo luật đều đang quy định: “trong trường hợp có mâu thuẫn thì áp dụng theo luật này”. Như vậy dễ dẫn đến xung đột pháp lý trong quá trình thực hiện, gây khó khăn cho cơ quan quản lý và đối tượng chịu thuế.

Vì vậy, đại biểu đề xuất, các chính sách liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp nên được tập trung quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời

kiến nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát toàn diện các nội dung trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số liên quan đến các luật thuế, đặc biệt là Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế xuất nhập khẩu nhằm tránh trùng lặp và bảo đảm tính nhất quán của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu thảo luận tại hội trường về Luật Công nghiệp công nghệ số 

Về nguồn tài chính cho phát triển công nghệ số, khoản 3, Điều 10 dự thảo Luật quy định, việc phân bổ ngân sách nhà nước cho phát triển công nghiệp công nghệ số của năm sau được thực hiện trên cơ sở nhu cầu của thực tiễn và kết quả sử dụng ngân sách đã được phân bổ. Nhất trí với nội dung này, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, quy định này nhằm bảo đảm tính ổn định và khả năng cân đối của ngân sách hàng năm cho phát triển công nghệ số. Tuy nhiên, theo đại biểu Lã Thanh Tân, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số có nhiều đặc thù, như diễn biến rất nhanh chóng với nhiều công nghệ đột phá. Vì vậy, cần đưa vào dự thảo Luật quy định về một số cơ chế phân bổ ngân sách cho phát triển công nghiệp công nghệ số đối với các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách phát sinh ngoài kế hoạch dự toán ngân sách hàng năm, không phụ thuộc vào kết quả sử dụng ngân sách đã được phân bổ của năm trước đó nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam, dự thảo Luật có các quy định liên quan đến thu hút, đào tạo nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, phát triển hạ tầng đối với các dự án đầu tư nước ngoài được hưởng ưu đãi đầu tư... Đây là những nội dung có nhiều điểm mới, tiến bộ được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao.

         Về các chính sách thu hút nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao tại Điều 18 dự thảo Luật, đại biểu Lã Thanh Tân nhận thấy, nội dung này "rất mạnh dạn và tiến bộ". Để thực hiện được các chính sách này, cụ thể là khoản 4 Điều 18 liên quan đến chi trả chế độ, chính sách cho nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao được điều chuyển, biệt phái giữa khối doanh nghiệp và khối nhà nước, đại biểu Lã Thanh Tân cũng đề nghị, nên sửa các quy định liên quan trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) lần này nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi của quy định./.

                                                                                                                         Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông