07:50 08/05/2025 Sáng 7-5, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi; dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Chiều 7-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tổ cùng đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu và đoàn Nghệ An. Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng là tổ trưởng tổ thảo luận.
Thảo luận về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã tiếp thu và chỉnh lý nhiều nội dung từ các ý kiến đóng góp tại kỳ họp thứ 8, hội nghị đại biểu chuyên trách lần thứ 7, bám sát chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, chính sách việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp.
Góp ý về quy định đối với đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm, đại biểu đề nghị cần làm rõ, quy định cụ thể và chi tiết hơn nhằm bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện, giúp xác định cụ thể những ai được tiếp cận chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng hiểu nhầm, hiểu sai hoặc vận dụng thiếu thống nhất giữa các địa phương, cơ quan.
Đại biểu đề nghị bổ sung quy định các tiêu chí nhận diện linh hoạt, phù hợp với đặc thù công việc, như: xác nhận của tổ dân phố, tổ chức đoàn thể; hay căn cứ vào hồ sơ hoạt động nghề nghiệp như lịch sử giao dịch, hợp đồng dịch vụ với nền tảng số..; hoặc dựa trên kê khai trung thực và kiểm tra ngẫu nhiên của cơ quan chức năng; quy định số lượng cụ thể cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ tối thiểu bao nhiêu lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… thì được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn; hoặc quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này để tránh việc chính sách bị lợi dụng.
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng được vay vốn hỗ trợ việc làm, duy trì, mở rộng việc làm đối với người lao động thuộc hộ cận nghèo sinh sống tại địa bàn đặc biệt khó khăn; vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với người lao động thuộc hộ mới thoát nghèo và những hộ hoàn cảnh gia đình khó khăn được chính quyền địa phương ở nơi cư trú xác nhận.
Trong bối cảnh thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng do chuyển đổi số, tự động hóa và tái cấu trúc ngành nghề, lực lượng lao động, đại biểu Quốc hội cho rằng, dù đã có những chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tư vấn việc làm, tham gia đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề… cho người lao động thất nghiệp, nhưng chủ yếu vẫn tập trung nhiều vào trợ cấp thất nghiệp.
Theo đại biểu, như vậy mới chỉ giải quyết ở phần ngọn, dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào bảo hiểm thất nghiệp mà không giải quyết được gốc rễ là thiếu kỹ năng phù hợp với thị trường, đặc biệt các kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin, AI trong thời đại kỹ thuật số.
Từ đó đề nghị nghiên cứu bổ sung Điều 4 dự thảo Luật về chính sách của Nhà nước quy định “hỗ trợ người lao động tái đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp gắn với nhu cầu thị trường lao động, thích ứng với nền công nghệ số, già hóa dân số, biến đổi khí hậu, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; triển khai trợ cấp tái đào tạo trong thời gian người lao động học nghề, nâng cao kỹ năng; hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật…”.
Thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) tán thành cao. Tuy nhiên, cũng bày tỏ băn khoăn về mô hình đơn vị hành chính các cấp khi trong Luật tổ chức chính quyền địa phương nêu khá rõ nhưng trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 lại chưa đề cập tới. Đại biểu đề nghị cần lý giải, làm rõ thêm nội dung này.
Về dự án Luật cán bộ công chức (sửa đổi), đại biểu Lã Thanh Tân cũng cơ bản tán thành. Về thẩm quyền quản lý CBCC, đại biểu cho rằng dự thảo luật chưa đề cập tới sự quản lý của địa phương, cần làm rõ thêm. Về thu hút, trọng dụng người có tài năng cũng cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn.
Về phân quyền, theo đại biểu Lã Thanh Tân, dự thảo luật vẫn quy định theo hướng theo quy định của pháp luật hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết, như vậy là chưa rõ vai trò quản lý của Trung ương và địa phương. Ngoài ra, còn chưa có quy định cụ thể, đột phá về tinh giản biên chế hoặc chủ trương xóa bỏ biên chế suốt đời.
Về nghĩa vụ của CBCC trong thi hành công vụ, dự thảo luật quy định: khi có căn cứ cho rằng quy định của cấp trên trái pháp luật thì CBCC phải có văn bản báo cáo người ra quyết định. Trường hợp người ra quyết định vẫn yêu cầu thi hành thì thực hiện nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả, đồng thời phải có văn bản báo cáo cấp trên trực tiếp. Đại biểu cho rằng nội dung báo cáo cấp trên trực tiếp rất khó thực hiện. Do đó đề nghị nghiên cứu theo hướng khi phải chấp hành thì có văn bản báo cáo người ra quyết định, còn việc báo cáo cấp trên trực tiếp là khó khả thi./.
Hồng Thanh
13:04 08/05/2025
13:02 08/05/2025
12:50 08/05/2025
Hải Phòng rực rỡ cờ hoa chào đón các ngày lễ lớn trong tháng 5 lịch sử
Lan tỏa tình yêu biển đảo, hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát biển đến với thiếu nhi thành phố Cảng
Thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính trên địa bàn Hải Phòng