10:43 24/04/2025 Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn Hải Phòng, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực gây phác thải khí nhà kính tương đối cao, chiếm 18,4% tổng lượng phát thải khí nhà kính. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, tăng trưởng GRDP nông nghiệp bình quân đạt 1,1%/năm; chiếm 4-5% GRDP các ngành kinh tế của thành phố, đặt trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp tiếp tục thu hẹp thì giải pháp trọng tâm, tất yếu được ngành nông nghiệp thành phố xác định là đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng chuyển đổi xanh; quy mô sản xuất hàng hoá tập trung; bảo đảm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Yêu cầu cấp thiết
Chuyển đổi xanh trong ngành nông nghiệp đang trở thành một yếu tố then chốt trong nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh lương thực bền vững. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, quá trình này không chỉ đòi hỏi sự thay đổi trong cách thức canh tác, quản lý nông nghiệp mà còn cần phải tích hợp công nghệ tiên tiến, các phương pháp quản trị mới để tạo ra một hệ thống nông nghiệp có khả năng thích ứng cao, hoạt động hiệu quả và ít gây tác động tiêu cực đến môi trường.
Là thành phố Cảng biển, dịch vụ logistics, công nghiệp, du lịch phát triển nhưng diện tích sản xuất nông nghiệp của Hải Phòng vẫn chiếm quy mô lớn với 75.000ha cây hàng năm (chủ yếu là lúa), 8.000ha cây lâu năm; 10.650ha nuôi thủy sản, 18.196 ha diện tích đất rừng với tỷ lệ che phủ rừng là 8,67% cùng hàng nghìn trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm… Ngành nông nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng, là “trụ đỡ” đối với tiến trình phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội của thành phố.
Những năm qua, với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, mạnh, diện tích đất nông nghiệp của thành phố liên tục giảm. Nhưng nhờ tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giá trị sản xuất nông nghiệp của Hải Phòng luôn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 0,5%, đóng góp 3,0-4,0% GRDP, góp phần quan trọng vào ổn định an sinh xã hội của thành phố, nhất là khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, để xây dựng thành công nền nông nghiệp hiện đại, sinh thái, nông dân văn minh thì nhiệm vụ đặt ra là phải nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế mà sản xuất nông nghiệp đang vấp phải. Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, hiện phác thải khí nhà kính mà lĩnh vực nông nghiệp gây ra chiếm 18,4% tổng lượng phát thải khí nhà kính. Một lượng lớn phát thải do các hoạt động sản xuất nông nghiệp như: chăn nuôi gia súc, gia cầm; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đốt rơm rạ trong canh tác đồng ruộng…, đều phát sinh khí metan, cacbon dioxit.
Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu của cơ quan chức năng, phát thải khí nhà kính tập trung chủ yếu trong 3 lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chính gồm: trồng lúa nước (chiếm 50%), tiếp đến là chăn nuôi (chiếm 19%) và quản lý đất, sử dụng phân bón (chiếm 13%). Các hoạt động chính trong sản xuất nông nghiệp gây phác thải khí nhà kính là sản phẩm phụ trồng trọt bị bỏ lại trên đồng ruộng, đốt rơm rạ, bao bì, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; nước thải, chất thải, cũng như dư lượng chất kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi; nạo vét bùn trong ao nuôi trồng thủy hải sản…
Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, hỗ trợ vốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Trước thực tế đáng quan ngại kể trên, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP nông nghiệp bình quân đạt 1,1%/năm; chiếm 4-5,0 % GRDP các ngành kinh tế của thành phố thì phát triển ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi xanh được xác định là xu hướng tất yếu.
Tuy nhiên, thực tế triển khai thời gian qua cho thấy quá trình này đang vấp phải không ít khó khăn, trở ngại. Hiện, sản xuất nông nghiệp của thành phố vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún; hạ tầng thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô lớn, chuyển đổi xanh. Đã vậy, nhận thức của đại bộ phận người dân từ người sản xuất đến người tiêu dùng về tăng trưởng xanh, sử dụng sản phẩm tăng trưởng xanh còn hạn chế.
Thêm vào đó là tình trạng thiếu hụt nguồn lao động nông thôn, nhất là đội ngũ lao động am hiểu về chuyển đổi xanh bị thiếu hụt; hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác thu gom, xử lý chất thải ở các vùng sản xuất, các khu vực dân cư nông thôn chưa đầy đủ, hoàn thiện… Mặt khác, ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với ảnh hưởng tiêu cực, khó lường của biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng rõ nét, nhất là tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp thường xuyên xảy ra, năm sau cao hơn năm trước...
Trong khi đó, để thực hiện chuyển đổi xanh nền nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực cần phải thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Trên cơ sở đó, đầu tư hệ thống hạ tầng, thiết bị, tiến bộ KHCN vào phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Và để làm được điều đó thì đất đai và vốn là 2 yếu tố có ý nghĩa quyết định, là điều kiện cần và đủ để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Hải Phòng theo hướng tập trung, chuyển đổi xanh và bền vững.
Trước yêu cầu thực tiễn đặt ra, để phát triển nông nghiệp xanh và bền vững, giảm lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí, ngành nông nghiệp, môi trường thành phố đã xác định rõ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai quyết liệt, hiệu quả trong thời gian tới.
Theo đó, toàn ngành đã, đang tiếp tục chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, nhất là bà con nông dân về lợi ích của nông nghiệp xanh. Từ đó, từng bước thay đổi tập quán canh tác của người dân theo hướng “xanh hóa”. Đồng thời, chủ động làm tốt công tác tham mưu cho thành phố xây dựng, ban hành và thực thi hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.
Trong đó, tập trung vào chính sách tích tụ, tập trung đất đai, hỗ trợ về vốn cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa quy mô lớn; khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ các chương trình khởi nghiệp nông nghiệp xanh.
Công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất nông nghiệp cũng được ngành chú trọng tăng cường theo phương châm gắn nghiên cứu với thực tiễn sản xuất, tạo liên kết bốn nhà bền vững (Doanh nghiệp - nhà nghiên cứu - nhà nước - nhà nông); chú trọng triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước ngọt, chống xâm nhập mặn. Bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng hiện có, phát triển rừng theo đúng quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia, từng bước nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, để bảo vệ môi trường sống, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, giá trị kinh tế từ rừng thông qua các dịch vụ du lịch, sinh thái trong rừng phòng hộ và các nguồn lợi hợp pháp khác từ rừng…
Bình Huệ
20:05 15/05/2025
Người dân đất Cảng hào hứng xem lễ duyệt đội ngũ, diều hành lễ kỉ niệm 70 năm giải phóng Hải Phòng
Góp ý nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID
Người dân nô nức ngắm pháo hoa chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng
Hàng vạn khán giả hòa mình vào không khí Lễ Kỷ niệm 70 năm Hải Phòng giải phóng
Hải Phòng rực rỡ cờ hoa chào đón các ngày lễ lớn trong tháng 5 lịch sử
Lan tỏa tình yêu biển đảo, hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát biển đến với thiếu nhi thành phố Cảng