Quốc hội tập trung cao cho xây dựng pháp luật

18:10 15/05/2025

Ngày 15-5, Quốc hội làm việc tại hội trường và tổ về công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; thảo luận về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và thảo luận tổ về các dự án luật, nghị quyết.

Trình bày tờ trình về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 63/143 điều, bãi bỏ 16 điều của luật hiện hành và bổ sung mới 2 điều.

Đáng chú ý, dự thảo luật sửa đổi quy định về xử phạt VPHC không lập biên bản theo hướng tăng giới hạn mức phạt tiền tối đa, tăng gấp 4 lần so với mức hiện hành. Mức phạt sẽ được điều chỉnh từ 250.000 đồng lên 1.000.000 đồng đối với cá nhân; từ 500.000 đồng lên 2.000.000 đồng đối với tổ chức. Việc này nhằm đảm bảo phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, mức tăng thu nhập bình quân đầu người tại thời điểm hiện nay so với trước đây.

Quang cảnh phiên họp tại hội trường ngày 15-5

          Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật quy định, ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển; quy định cơ chế thực hiện khoán chi, trả thù lao, thuê khoán theo từng nhiệm vụ hoặc theo từng hoạt động trong xây dựng pháp luật; quy định cụ thể các giải pháp để Nhà nước có chính sách, cơ chế đặc biệt thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật từ tổ chức đào tạo chuyên sâu, ưu tiên tuyển dụng, thu hút trọng dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao…

          Thảo luận về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đa số đại biểu  nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là nội dung về phát triển điện hạt nhân, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ của đất nước, từng bước làm chủ công nghệ điện hạt nhân, xây dựng, hoàn thiện và bảo đảm đồng bộ, thống nhất các quy định trong hệ thống pháp luật về năng lượng nguyên tử.

Đồng thời, thực hiện cải cách theo hướng hiệu lực, hiệu quả, phân cấp, phân quyền, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quy định rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan liên quan về an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân; phát triển bền vững ứng dụng năng lượng nguyên tử; thực hiện cam kết, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam…

Các đại biểu Quốc hội trong phiên họp ngày 15-5

Về chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện hạt nhân, đại biểu cho rằng, việc đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo quy định về pháp luật đầu tư thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng. Do đó, việc phân cấp, phân quyền như dự thảo Luật cần cân nhắc kỹ lưỡng, bởi dự án nhà máy điện hạt nhân là dự án rất quan trọng, tiềm ẩn nguy cơ tác động môi trường, kinh tế-xã hội, vấn đề giải phóng mặt bằng và cần nguồn vốn rất lớn… Tuy nhiên, nếu theo trình tự thủ tục đầu tư và trình Quốc hội quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư thì mất nhiều thời gian hơn khi giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, dẫn đến nhiều khi bị mất cơ hội đầu tư.

Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần phải nghiên cứu kỹ về quy mô công suất của nhà máy điện hạt nhân để phân cấp, phân quyền cho hợp lý. Với những dự án điện hạt nhân có quy mô về công suất không lớn có thể phân cấp, phân quyền cho Thủ tướng.

Một số đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu quy định về cơ chế, chính sách đặc biệt trong dự thảo Luật đối với các vấn đề liên quan đến vị trí được lựa chọn xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân. Bởi lẽ, thời gian tới có thể sẽ có nhiều Nhà máy Điện hạt nhân khác được đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước. Nếu các cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân được luật hóa sẽ tạo hành lang pháp lý thống nhất, đảm bảo thực hiện chung cho các địa phương được lựa chọn đầu tư xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân trong tương lai.

Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng là chủ trì thảo luận tổ

Chiều 15-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tổ cùng đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu và đoàn Nghệ An. Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng là tổ trưởng tổ thảo luận.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu thảo luận tổ

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đồng tình về đối tượng, chế độ chính sách đối với người tham gia xây dựng pháp luật và đề nghị bổ sung cán bộ công chức Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND cấp tỉnh là đội ngũ tham mưu giúp việc thường xuyên cho Đoàn đại biểu Quốc hội về công tác xây dựng pháp luật.

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Lã Thanh Tân đánh giá cao sự tích cực, chủ động của cơ quan soạn thảo trong một thời gian ngắn đã hoàn thành.  Đại biểu nêu rõ, dự thảo nghị quyết đã thể chế một số cơ chế chính sách theo tinh thần nghị quyết 68 nhưng cần phân tích kỹ hơn, tập trung áp dụng cho kinh tế tư nhân. Cùng với đó, cần có cơ chế tháo gỡ rào cản, vướng mắc mà kinh tế tư nhân đang phải đối mặt; cơ chế chính sách để đạt được chỉ tiêu số lượng doanh nghiệp tư nhân mong muốn cũng như cơ chế đặc biệt giúp chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Các mô hình tổ chức và chế độ báo cáo thuế cần được thiết kế riêng sao cho thật thuận lợi, gọn nhẹ.

Đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hải Phòng) phát biểu thảo luận tổ

Về dự án Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hải Phòng) thống nhất cao với tên gọi, cho rằng phù hợp với thực tế và tán thành cao với việc mở rộng đối tượng tham gia, trong đó có CBCC Nhà nước, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đại biểu đề nghị quy định về quy trình cử và  thủ tục cũng được rút gọn hơn, thể hiện rõ sự phân cấp, phân quyền.

Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an thành phố phát biểu thảo luận tổ

Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an thành phố đồng tình với việc ban hành Luật  tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thể hiện quan điểm nhất quán, nhân văn của Đảng ta trong công tác đối ngoại. Theo đại biểu Vũ Thanh Chương, lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được thực hiện từ năm 2014, nước ta đã cử hàng trăm cán bộ quân đội và 5 tổ công tác công an tham gia. Do đó, việc triển khai Luật sẽ tạo hành lang pháp lý cho lực lượng này hoạt động cũng như việc tuyển chọn và bảo đảm chế độ chính sách. Đại biểu Vũ Thanh Chương mong muốn sớm ban hành cơ chế chính sách để lực lượng này hoạt động tốt nhất./.

                                                                                                                                              Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông