Quốc hội thảo luận về các Luật Thuế Bảo đảm mức thuế suất phù hợp để doanh nghiệp phát triển

13:05 17/05/2025

Tuần qua, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội dành nhiều thời gian thảo luận về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Đây là 2 Luật Thuế nhận được sự quan tâm rất lớn của doanh nghiệp cũng như đại biểu Quốc hội. Vì vậy, tại các phiên thảo luận, có rất nhiều ý kiến tham gia với nhiều quan điểm, chính kiến xuất phát từ thực tế, với mong muốn các dự thảo Luật hoàn thiện hơn, phù hợp hơn, đáp ứng những đòi hỏi từ cuộc sống.

                                              Cân nhắc trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng

          Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội  là việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml. Theo đại biểu, trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu nhiều áp lực từ bên ngoài và còn nhiều bất ổn ở khu vực tiêu dùng, dịch vụ thì việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường cần được cân nhắc một cách kỹ lưỡng để đảm bảo tính bao quát, toàn diện.    

Theo các đại biểu, việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu nguy cơ thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống. Tuy nhiên, việc này ở thế giới và tại Việt Nam cũng có những nghiên cứu về lĩnh vực này nhưng lại chưa có cơ sở khoa học vững chắc để khẳng định rằng, nước giải khát có đường là nguyên nhân chính và duy nhất gây ra tình trạng thừa cân, béo phì.

Dây chuyền sản xuất của Công ty CP Bia Hà Nội- Hải Phòng

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thừa cân, béo phì là hệ quả của nhiều nguyên nhân như thói quen ít vận động, chế độ ăn uống không hợp lý, yếu tố di truyền hoặc bệnh lý. Hơn nữa, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách năm 2023 đã chỉ ra rằng, học sinh khu vực thành thị có tỷ lệ béo phì cao hơn nhưng lại tiêu thụ nước ngọt thường xuyên thấp hơn học sinh khu vực nông thôn. Mặt khác, việc hấp thụ đường còn tùy vào cơ địa của từng người. Điều này cho thấy chưa đủ cơ sở khoa học để quy kết nước giải khát có đường là nguyên nhân chính gây ra thừa cân, béo phì.

Ngoài ra, việc chỉ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên nhóm nước giải khát đóng gói sẵn có hàm lượng đường trên 5g/100ml có thể gây hiểu nhầm và dẫn đến hành vi tiêu dùng thay thế không mong muốn. Người tiêu dùng có thể chuyển sang các loại thực phẩm và đồ uống khác có hàm lượng đường tương đương hoặc cao hơn nhưng không thuộc diện chịu thuế. Ví dụ trà sữa, nước trái cây đường phố, cà phê pha sẵn. Những nước uống này vốn khó kiểm soát cả về chất lượng và hàm lượng đường.

Đánh giá việc tác động của áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường có thể ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và sản phẩm tự nhiên khác, đại biểu  cho rằng, khái niệm nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn của Việt Nam chưa được định nghĩa cụ thể, dẫn đến lo ngại sản phẩm tự nhiên như nước dừa, nước trái cây có thể bị đánh đồng với nước ngọt có ga. Thực tế, có khoảng 200.000 nông dân trồng dừa và hàng trăm doanh nghiệp chế biến rất lo lắng sản phẩm nước dừa chế biến của họ có thể bị coi là nước giải khát chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc áp dụng mức 10% cho nước gọt có ga là chưa phù hợp, ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp.

          Theo đại biểu, trong bối cảnh hiện tại, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức, sức mua suy giảm, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thị trường lao động chưa phục hồi hoàn toàn và các chính sách hỗ trợ hậu COVID-19 đang trong quá trình chuyển tiếp thì việc đưa vào áp dụng một sắc thuế mới hoặc điều chỉnh tăng thuế suất nếu thực hiện quá sớm có thể làm gia tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng, tổng cầu và ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, kiến nghị cần lùi thời điểm áp dụng quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có hàm lượng đường 5g/100ml bắt đầu từ năm 2028 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiên cứu, điều chỉnh sản phẩm, đầu tư, đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm thay thế.

Đại biểu cũng đề nghị nên áp dụng lộ trình tăng dần theo từng giai đoạn, ví dụ thay vì 8% thì có thể từ 3% - 7% rồi đến 10% để giúp doanh nghiệp có thời gian thích nghi, đồng thời có thể xem xét áp dụng mức thuế khác nhau tùy hàm lượng đường trong sản phẩm nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công thức theo hướng giảm đường, hướng đến tiêu dùng lành mạnh.

           Về đối tượng chịu thuế là điều hoà nhiệt độ, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi, hiện nay nhu cầu sử dụng điều hòa đã trở nên phổ biến để đáp ứng nhu cầu của người dân. Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định điều hòa nhiệt độ có công suất trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB (không thu thuế với máy điều hoà có công suất nhỏ hơn 18.000 BTU và trên 90.000 BTU).

          Đại biểu cho rằng, quy định nêu trên chưa hợp lý, vì  máy điều hòa nhiệt độ ngày nay không còn là hàng xa xỉ, mà đã trở thành nhu cầu phổ biến, thiết yếu cho đời sống người dân ở cả đô thị và nông thôn, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm nhiệt độ tăng cao. Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa (vốn nhằm mục tiêu hạn chế tiêu dùng) thực tế không làm giảm nhu cầu;dù thuế cao, người dân vẫn phải sử dụng để bảo đảm sinh hoạt và sức khỏe.

Đại biểu  đề xuất, nên bãi bỏ hoặc thu hẹp đối tượng điều hòa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, theo đó loại bỏ điều hòa nhiệt độ dân dụng (dưới 90.000 BTU) ra khỏi danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trường hợp vẫn cần điều tiết, thì chỉ nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với hệ thống điều hòa công suất cực lớn (phục vụ không gian rộng đặc biệt) và cần đánh giá kỹ hiệu quả.

          Cùng với đó, cần khuyến khích tiết kiệm năng lượng thông qua biện pháp khác. Thay vì đánh thuế, Nhà nước nên siết chặt tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng đối với điều hòa và tuyên truyền người dân sử dụng tiết kiệm điện. Các giải pháp khoa học công nghệ, như phổ biến cảm biến nhiệt thông minh, vật liệu cách nhiệt tốt trong xây dựng... cần được thúc đẩy để giảm nhu cầu sử dụng điều hòa mà không ảnh hưởng đến tiện nghi của người dân.

Liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện và xe sử dụng năng lượng sạch, đại biểu đề nghị, mở rộng ưu đãi thuế cho mọi dòng xe sử dụng năng lượng sạch.

Đối với xăng và các nhiên liệu truyền thống, đại biểu đề xuất, nên cơ cấu lại chính sách thuế với xăng dầu theo hướng cân nhắc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng khoáng trong dài hạn, thay vào đó tăng dần thuế bảo vệ môi trường hoặc các cơ chế định giá phát thải carbon.

                                                      Áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp hợp lý

          Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật, hoan nghênh việc cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giữ ổn định thuế suất phổ thông 20% thay vì nâng lên như một số phương án ban đầu; bổ sung thuế suất ưu đãi 15% cho doanh nghiệp có doanh thu và lao động dưới ngưỡng nhất định, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu thảo luận tại hội trường

 Dự thảo Luật cũng làm rõ điều kiện áp dụng thuế suất 10% cho các lĩnh vực đặc biệt ưu đãi như công nghệ lõi, môi trường, nông nghiệp công nghệ cao; thu hẹp diện ưu đãi dàn trải, chuyển sang ưu đãi có điều kiện ràng buộc, gắn với đóng góp thực chất.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu thảo luận tại hội trường ghi nhận dự thảo luật đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về kịp thời thể chế hóa NQ57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đối số quốc gia. Trong đó đã bổ sung quy định về thu nhập miễn thuế thu nhập doanh nghiệp gồm khoản thu nhập từ việc đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Đồng thời bổ sung quy định doanh nghiệp tặng tài trợ được trừ khoản tài trợ này vào chi phí tính thuế TNDN. Như vậy, quy định này được áp dụng cho cả doanh nghiệp tặng và doanh nghiệp nhận tài trợ và đại biểu rất đồng tình.

 Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm ban hành đầy đủ các quy định để thực hiện, bảo đảm mục tiêu chống chuyển giá, chuyển lợi nhuận giữa các bên có quan hệ liên kết, tránh việc lợi dụng chính sách này. Đại biểu Lã Thanh Tân truyền đạt nguyện vọng cử tri doanh nghiệp, mong muốn Luật Thuế TNDN sửa đổi được thông qua có hiệu lực từ ngày 1-10-2025 để thúc đẩy triển khai thực hiện NQ57, NQ số 68 của Bộ Chính trị. Đồng thời đồng bộ với hiệu lực của Luật Doanh nghiệp cũng được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-2025.

           Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng, trong thực tiễn hoạt động khám, chữa bệnh, nhiều cơ sở y tế công lập hiện đang triển khai các dịch vụ kỹ thuật y tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, các khoản thu từ những dịch vụ này lại đang bị xem là thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp , trong khi bản chất là dịch vụ sự nghiệp công, nhằm phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Trước đây, Thông tư số 128/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính từng quy định rõ rằng thu nhập từ các dịch vụ kỹ thuật y tế thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ sẽ được miễn thuế TNDN. Tuy nhiên, khi Thông tư số 79/2014/TT-BTC ban hành, quy định này đã bị bãi bỏ, dẫn đến nhiều khó khăn cho các cơ sở y tế công lập.

          Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, vấn đề đặt ra là mức thu của các dịch vụ y tế công lập hiện nay thường rất thấp, chưa đủ để bù đắp các chi phí phát sinh, bao gồm: chi phí nhân công, chi phí trực tiếp, chi phí khấu hao tài sản, chi phí quản lý... Đồng thời, theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, các đơn vị sự nghiệp công lập được giao cơ chế tự chủ tài chính, trong đó có hai nguồn thu chính: từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công và từ hoạt động sản xuất kinh doanh, liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, các khoản thu từ khám, chữa bệnh vẫn bị coi là thu nhập từ hoạt động kinh doanh, dẫn đến việc áp thuế TNDN không hợp lý.

          Từ đó, đại biểu  đề xuất bổ sung quy định miễn thuế TNDN đối với các khoản thu từ hoạt động khám, chữa bệnh phục vụ nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội, đặc biệt tại các cơ sở y tế công lập. Đồng thời, đề nghị quy định rõ ràng, minh bạch về phạm vi các dịch vụ y tế được miễn thuế, nhằm giảm rủi ro pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ công.

           Cùng với đó, nên bổ sung quy định miễn thuế TNDN đối với các khoản tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật phục vụ cho hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, an sinh xã hội. Việc này không chỉ giúp các đơn vị khó khăn đầu tư, mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất mà còn góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ hệ thống y tế Việt Nam. Đây là bước đi cần thiết để đảm bảo chính sách thuế công bằng, phù hợp với mục tiêu phát triển hệ thống y tế vì cộng đồng./.

                                                                                                                      Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông