Quốc hội thảo luận về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân

13:07 17/05/2025

Ngày 16-5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; thảo luận tổ về ự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.

                                            Dành cơ chế chính sách đặc biệt để phát triển kinh tế tư nhân

Đại biểu Quốc hội tán thành với việc ban hành dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, cho rằng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng tại các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, hoàn thiện khung khổ pháp luật thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, nhất là Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Quang cảnh phiên làm việc ngày 16-5 của Quốc hội

Đại biểu đánh giá, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được chuẩn bị rất khẩn trương để xây dựng các cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Dự thảo Nghị quyết đã đề ra nhiều nội dung mang tính đột phá, để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ kinh tế tư nhân tiếp cận với đất đai, tài chính, tín dụng, hỗ trợ về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Chính sách rất toàn diện và vượt trội.

Nhiều ý kiến tán thành với chủ trương chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong quản lý điều kiện kinh doanh; cho rằng đây là hướng đi phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo và mở rộng sản xuất.

Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, nếu không có cơ chế hậu kiểm đủ mạnh, minh bạch và hiệu quả thì chính sách này rất dễ trở thành kẽ hở để các “công ty ma" lợi dụng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu thảo luận 

          Thực tế cho thấy, nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách thông thoáng để lập ra hàng trăm công ty không hoạt động thực tế, mua bán hóa đơn, trốn thuế, rửa tiền, gây thất thu ngân sách và làm méo mó môi trường cạnh tranh.

Đại biểu đề nghị, cần bổ sung rõ các yêu cầu cụ thể đối với hệ thống hậu kiểm, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng; kiểm tra thực địa; ứng dụng công nghệ số trong giám sát; chế tài đủ sức răn đe.

Đồng thời, cần quy định rõ các ngành, lĩnh vực buộc phải tiền kiểm, trên cơ sở rủi ro và kinh nghiệm quốc tế, để tránh áp dụng tràn lan hoặc lỏng lẻo.

Một số đại biểu băn khoăn với quy định tại Khoản 4 và Khoản 5, Điều 7 khi quy định đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp thành lập mới sau Nghị quyết này có hiệu lực thì UBND tỉnh xác định đối với từng khu ,cụm công nghiệp đảm bảo bình quân tối thiểu 20ha/khu, cụm hoặc 5% tổng diện tích khu, cụm công nghiệp đã đầu tư kết cấu hạ tầng để dành cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê lại.

Nếu sau 2 năm kể từ ngày khu, cụm công nghiệp hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng và không có doanh nghiệp thuê thì chủ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp mới được quyền cho các doanh nghiệp khác thuê, thuê lại.

Theo đại biểu, như vậy, có sự ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp do phải tự vốn đầu tư mà chưa được khai thác. Đại biểu đề nghị, cần làm rõ vấn đề này, từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp, bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp.

          Bổ sung đối tượng thụ hưởng chính sách trong xây dựng và thi hành pháp luật

          Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết để thể chế hóa Nghị quyết số số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Qua đó khẳng định, các cơ chế, chính sách sẽ tạo động lực để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật.

Quan tâm đến đối tượng thụ hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt, các đại biểu cho rằng, việc xác định đối tượng phải được rà soát theo quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xác định đầy đủ đối tượng và vai trò, nhiệm vụ của từng đối tượng tham gia được hưởng chính sách.

Đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết 

          Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng được thụ hưởng chế độ, chính sách đặc biệt tại địa phương được nêu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đề nghị  xem xét bổ sung Điều 7 đối tượng là “đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách các cấp” tương tự như “đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách”. Theo đại biểu, hiện nay, ở địa phương theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, số lượng đại biểu HĐND các cấp hoạt động chuyên trách không nhiều (cấp tỉnh có từ 8-10 đại biểu; cấp xã mới sau sắp xếp dự kiến có từ 2-3 đại biểu), được bố trí là lãnh đạo HĐND, lãnh đạo các Ban của HĐND. Do đó, việc thẩm tra các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, giám sát văn bản quy phạm pháp luật do các Ban của HĐND thực hiện, tập trung là các đại biểu hoạt động chuyên trách. Vì vậy, việc quy định nhóm đối tượng này được hưởng chính sách hỗ trợ hàng tháng là phù hợp.

Bên cạnh đó, đề nghị quan tâm bổ sung đối tượng là công chức Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, thành phố trực tiếp tham mưu, phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật và giám sát văn bản quy phạm pháp luật, vì đây là đội ngũ trực tiếp và thường xuyên làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật.

          Cùng với cơ chế đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, một số đại biểu đề nghị cần thể chế hóa Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Cụ thể, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng trong kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; bảo vệ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu thảo luận tổ

          Tham gia thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đề nghị  rà soát quy định hiện hành cũng như dự thảo Luật liên quan, làm rõ cơ sở phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, bảo đảm sự tương đồng giữa các lĩnh vực như mức phạt quản lý KHCN, chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ số, lĩnh vực dầu khí, khoáng sản, tài nguyên môi trường biển…

                                                                                                                                      Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông