18:59 23/04/2025 Trong dòng chảy không ngừng của thời đại số và toàn cầu hóa, tình yêu quê hương, đất nước vẫn luôn là một giá trị cốt lõi cần được vun đắp trong tâm hồn mỗi người. Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2025), các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đang triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa góp phần giáo dục truyền thống, nuôi dưỡng tình cảm thiêng liêng với non sông, cội nguồn dân tộc cho thế hệ trẻ.
Thêm hiểu và yêu đất nước
Chiều 15/4 vừa qua, sân trường Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền (quận Ngô Quyền) như được “thắp sáng” bởi những sắc màu nghệ thuật trong chuyên đề Đội cấp thành phố mang tên “Đất nước nở hoa”. Gần 150 học sinh trong vai trò là “diễn viên nhí” đã đưa khán giả đi qua hành trình lịch sử hào hùng của dân tộc và thành phố Hải Phòng thân yêu bằng hình thức sân khấu hóa sáng tạo và cảm xúc.
Mở màn là hoạt cảnh “Từ Trang An Biên lịch sử đến khí thiêng Bạch Đằng Giang” - tái hiện lại trang sử mở đất Hải Phòng từ thời dựng nước, gắn liền với chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng. Kế tiếp là chương “Tượng đài Chiến thắng Cát Bi - Bến K15 nơi khởi đầu bản hùng ca trên biển”, nơi các em hóa thân thành những chiến sĩ năm xưa, miêu tả sự kiên cường và tinh thần không khuất phục của quân dân thành phố trong thời kỳ chiến tranh.
Tiểu phẩm “Thành phố Cảng anh hùng” khiến khán giả xúc động khi chứng kiến hình ảnh Hải Phòng vươn mình trong hòa bình, phát triển không ngừng. Đặc biệt, chương cuối “Thiếu nhi Hải Phòng tiếp bước cha anh” là sự khẳng định: Thế hệ hôm nay đang từng ngày học tập, rèn luyện để xứng đáng với truyền thống cha ông.
Em Nguyễn Ngọc Khánh Vy, học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền bày tỏ: Mặc dù chúng em may mắn được sống trong thời bình, chưa từng biết chiến tranh như thế nào, song hôm nay, khi được theo dõi Chuyên đề do nhà trường tổ chức, em thấy rất xúc động. Từ đó, em có thêm động lực học tập, tìm hiểu thêm về lịch sử dân tộc và cố gắng học thật giỏi để trở thành người có ích cho đất nước.
Cũng trong những ngày tháng Tư lịch sử, các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố cũng chú trọng tổ chức các hoạt động giáo dục như: Thăm “địa chỉ đỏ” trong và ngoài thành phố; mời nhân chứng lịch sử tham gia nói chuyện chuyên đề nhân kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng.
Qua đó, các kiến thức lịch sử không chỉ còn ở trên trang sách mà trở nên sinh động, chân thật qua lời kể của những thế hệ cha ông đã từng vào sinh ra tử vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Hình dung diễn biến trận đánh cùng sự hy sinh gian khổ của chiến sĩ ta, các em học sinh cũng được trang bị kiến thức bổ ích, biết trân trọng quá khứ và nỗ lực học tập vì tương lai.
Theo thống kê từ Bảo tàng Hải quân (Hải Phòng), chỉ tính từ đầu tháng 4 đến nay, Bảo tàng đã đón gần 40 đoàn khách với hơn 1.500 lượt người mỗi tuần. Đáng chú ý, trong số đó có rất nhiều học sinh, sinh viên từ các trường trên địa bàn thành phố - một tín hiệu đáng mừng về sự quan tâm của giới trẻ với lịch sử dân tộc.
Ông Lê Hồng Tiến, Giám đốc Bảo tàng Hải quân chia sẻ: Nếu như trước năm 2020, cả năm chúng tôi chỉ đón khoảng 10.000 lượt khách thì vài năm trở lại đây, con số đó đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba vào mỗi dịp lễ lớn. Không chỉ đến để nghe thuyết minh, nhiều bạn trẻ còn quay video, ghi hình, chụp ảnh đăng tải trên mạng xã hội như một cách lan tỏa tình yêu lịch sử rất riêng, rất sáng tạo.
Và để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu ngày càng cao, Bảo tàng đã ứng dụng công nghệ 3D trong trưng bày, giúp hiện vật được tiếp cận dưới góc nhìn trực quan, sinh động hơn. “Chúng tôi mong muốn mỗi chuyến tham quan không chỉ là một lần xem cho biết, mà thật sự là hành trình cảm nhận, kết nối, để lịch sử không nằm yên trong sách mà hiện hữu sống động giữa đời thường” - ông Lê Hồng Tiến nhấn mạnh.
Hun đúc tình yêu nước từ những điều gần gũi
Hoà trong không không khí hào hùng của dân tộc, hướng đến những ngày lễ lớn của đất nước, tại nhiều trường học trên địa bàn thành phố từ bậc mầm non đến cao đẳng, đại học cũng rực rỡ màu cờ đỏ thắm của Quốc kỳ Việt Nam. Từ cổng trường, hành lang đến từng lớp học, lá cờ Tổ quốc được trang trí trang trọng, kết hợp cùng khẩu hiệu tuyên truyền, hình ảnh lịch sử… tạo nên không gian thiêng liêng, giàu cảm xúc.
Trong các tiết chào cờ đầu tuần, hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt lớp, các trường học đều lồng ghép nội dung tuyên truyền về Ngày Giải phóng miền Nam 30/4, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và Ngày Giải phóng Hải Phòng 13/5. Việc trang trí cờ, biểu ngữ không chỉ tạo khí thế trang nghiêm, phấn khởi trong trường học mà còn góp phần giáo dục trực quan, giúp học sinh thêm gắn bó với màu cờ sắc áo, từ đó nuôi dưỡng tình yêu đất nước một cách nhẹ nhàng, sâu sắc và đầy cảm xúc.
Đặc biệt, theo chia sẻ của nhiều giáo viên mầm non, với trẻ nhỏ, yêu nước không phải là điều gì quá xa xôi, mà bắt đầu từ những hình ảnh quen thuộc như lá cờ đỏ sao vàng, bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Khi các con hát vang lời ca, ánh mắt bừng lên niềm vui, đó là khoảnh khắc tình yêu đất nước đã bắt đầu được gieo mầm.”
Vừa qua, hàng trăm thiếu nhi các quận Lê Chân, Ngô Quyền, Hồng Bàng… thuộc các trường tiểu học và THCS hào hứng tham dự hội thi “Thiếu nhi vẽ tranh theo sách, báo năm 2025” với chủ đề “Hải Phòng - 70 năm rực màu phượng đỏ”. Theo đó, không gian thư viện hay một góc vườn hoa bỗng trở thành một “phòng tranh” với sắc màu tươi sáng.
Những hình ảnh về chiến thắng, biển đảo quê hương, hoa phượng đỏ rực rỡ trong nắng tháng Tư… hiện lên qua những nét vẽ tỉ mỉ, đầy cảm xúc. Cuộc thi không chỉ là nơi phát huy năng khiếu hội họa mà còn là bài học lịch sử sinh động, giúp các em hiểu rằng lòng yêu nước không chỉ có trong quá khứ, mà còn hiện hữu trong từng hành động hôm nay: học giỏi, sống đẹp, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Giáo dục tình yêu quê hương, đất nước không đơn thuần là những khẩu hiệu, mà bắt đầu từ những điều giản dị, như: biết yêu ngôi trường mình học, giữ gìn môi trường xung quanh, tự hào về truyền thống gia đình và địa phương. Những buổi học lịch sử, giờ chào cờ đầu tuần, hay các hoạt động ngoại khóa về nguồn, tham quan di tích lịch sử... chính là những cơ hội quý giá để học sinh cảm nhận rõ hơn về cội nguồn dân tộc.
Không chỉ nhà trường, mà gia đình và xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng tình yêu đất nước cho thế hệ trẻ. Những câu chuyện kể về thời xưa của ông bà, một buổi xem phim tài liệu cùng cha mẹ hay đơn giản là việc cùng nhau treo cờ Tổ quốc vào ngày lễ - tất cả đều góp phần tạo nên sợi dây gắn kết giữa cá nhân và dân tộc.
Tình yêu đất nước không tự nhiên nảy nở, mà được bồi đắp từ những trải nghiệm tuổi thơ, những bài học sinh động và hình ảnh gần gũi. Khi người trẻ thêm hiểu, thêm yêu quê hương từ những điều giản dị, họ sẽ trở thành những công dân sống có trách nhiệm, sẵn sàng dựng xây và gìn giữ giá trị thiêng liêng của dân tộc.
PHƯƠNG LINH
19:53 22/04/2025
19:53 22/04/2025
Công an thành phố bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5
Làm rõ 12 vụ việc liên quan đến ANTT, xử lý 744 trường hợp vi phạm TTATGT
Công an phường Vĩnh Niệm: Vận động đối tượng truy nã nguy hiểm đầu thú
Hải Phòng rực rỡ cờ hoa chào đón các ngày lễ lớn trong tháng 5 lịch sử
Lan tỏa tình yêu biển đảo, hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát biển đến với thiếu nhi thành phố Cảng
Thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính trên địa bàn Hải Phòng