Hải Phòng sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công bằng, chất lượng

    15:39 02/05/2025

    Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt khi là năm đầu tiên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT được tổ chức theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Sự đổi mới không chỉ ở nội dung, phương pháp dạy học mà còn ở hình thức thi, cách thức xét tuyển, tạo tiền đề quan trọng cho đổi mới giáo dục toàn diện. Phóng viên Chuyên đề An ninh Hải Phòng đã phỏng vấn đồng chí Phạm Quốc Hiệu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hải Phòng về những điểm mới, điều chỉnh quan trọng của kỳ thi mà học sinh, phụ huynh và nhà trường cần nắm rõ.

     

    Học sinh lớp 9 trên địa bàn thành phố đang tăng tốc ôn luyện cho kỳ thi vào lớp 10 THPT

    Phóng viên: Trước hết, đồng chí có thể cho biết một số thông tin cơ bản về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2025 - 2026?

    Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Quốc Hiệu: Năm nay là năm đầu tiên thực hiện thi theo chương trình GDPT 2018, bởi vậy, kết quả kỳ thi có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá sự thay đổi trong cách dạy, cách học và công tác chỉ đạo của các nhà trường trong việc thực hiện chương trình GDPT 2018.

    Năm 2025, Hải phòng có 33.052 học sinh lớp 9 (giảm 905 học sinh so với năm học trước), Sở GD-ĐT đã sớm tham mưu cho UBND thành phố quyết định lựa chọn môn thi thứ ba, sớm phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh cho các nhà trường và thông báo rộng rãi đến toàn thể học sinh, phụ huynh học sinh qua các phương tiện thông tin đại chúng.

    Về cơ bản, cách thức tổ chức kỳ thi, thời gian tổ chức thi, lựa chọn môn thi vẫn giữ ổn định như những năm trước để tạo điều kiện cho các em dự thi và các nhà trường trong việc tổ chức ôn tập cho các em. Tuy nhiên Thông tư 30/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT có hiệu lực từ 14/2/2025, do đó kỳ thi năm nay có một số thay đổi so với năm 2024.

    Phóng viên: Vậy so với năm trước, phương thức tuyển sinh của các khối trường THPT năm nay có những điểm gì mới, thưa đồng chí?

    Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Quốc Hiệu: Đối với khối trường THPT Công lập, kỳ thi tuyển sinh năm nay có những thay đổi đáng chú ý. Về môn thi và hình thức thi, học sinh sẽ dự thi ba môn gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Đối với môn Ngoại ngữ, thí sinh có thể lựa chọn một trong sáu Ngoại ngữ là: Tiếng Anh, Trung, Pháp, Hàn, Nhật hoặc Nga. Môn Ngữ văn tiếp tục thi theo hình thức tự luận, trong khi đó, môn Toán và Ngoại ngữ đều thi theo hình thức trắc nghiệm. Điểm mới so với năm 2024 là môn Toán chuyển từ thi tự luận sang thi trắc nghiệm.

     Về đăng ký dự thi và nộp hồ sơ, năm nay học sinh thực hiện đăng ký dự thi trực tuyến qua phần mềm tuyển sinh và nộp hồ sơ trực tiếp tại trường THPT nơi đăng ký dự thi. Mỗi học sinh sẽ được cấp một tài khoản cá nhân để thực hiện việc đăng ký. Khác với năm trước, khi hồ sơ được nộp tại trường THCS nơi học sinh học lớp 9, năm nay hồ sơ sẽ nộp tại trường THPT dự thi.

    Về cộng điểm khuyến khích và mở rộng đối tượng tuyển thẳng, thí sinh đạt giải cấp thành phố tại các cuộc thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, hoặc phối hợp với các sở, ngành tổ chức mà các cuộc thi đó có tổ chức cấp quốc gia sẽ được cộng điểm khuyến khích. Ngoài ra, đối tượng tuyển thẳng được mở rộng thêm cho học sinh đạt giải khuyến khích tại hai cuộc thi: “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và cuộc thi viết thư quốc tế UPU.

    Đây là những điểm mới bởi năm trước chưa có quy định cộng điểm khuyến khích. Về xét trúng tuyển, điểm xét tuyển được tính bằng tổng điểm ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (theo thang điểm 10) cộng với điểm ưu tiên và điểm khuyến khích (nếu có). Khác với năm trước, các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ đều được tính hệ số 1, thay vì Toán và Văn hệ số 2 như trước.

    Về công bố kết quả, điểm chuẩn sẽ được công bố cùng với điểm thi. Sau khi có điểm chuẩn lần một, học sinh mới nộp đơn phúc khảo nếu có nhu cầu. Sau khi hoàn tất chấm phúc khảo, mới tiến hành xét điểm chuẩn lần hai. Điểm khác biệt so với năm trước là trước đây học sinh nộp đơn phúc khảo ngay sau khi biết điểm thi và chưa công bố điểm chuẩn.

    Đối với tuyển sinh vào Trường THPT chuyên Trần Phú cũng có nhiều điểm mới. Về môn thi và hình thức thi, năm nay không tổ chức thi môn Ngoại ngữ điều kiện. Học sinh thi 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ chung cùng học sinh dự thi vào THPT công lập, đồng thời thi thêm môn chuyên tại hội đồng thi THPT chuyên Trần Phú. Đây là thay đổi lớn vì trước đây có tổ chức thi Ngoại ngữ điều kiện.

    Về tuyển sinh lớp chuyên Tin học, các em có thể dự thi vào lớp chuyên tin bằng môn thi chuyên là môn thi tin. Về đăng ký dự thi và nộp hồ sơ, học sinh đăng ký trực tuyến qua phần mềm tuyển sinh, được cấp tài khoản riêng, và nộp hồ sơ về trường THPT nơi đăng ký dự thi, thay vì nộp tại trường THCS như năm trước.

    Về xét trúng tuyển, điểm xét tuyển là tổng điểm ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (tính hệ số 1) cộng với điểm môn chuyên (tính hệ số 2). Một lưu ý quan trọng là điểm môn chuyên phải lớn hơn 2 điểm. Việc bỏ thi Ngoại ngữ điều kiện cũng là một điểm mới so với trước đây.

    Cuối cùng, về công bố kết quả, tương tự như tuyển sinh vào trường công lập, điểm chuẩn sẽ được công bố cùng với điểm thi. Sau khi công bố điểm chuẩn lần một, học sinh mới được nộp đơn phúc khảo nếu cần. Sau khi hoàn tất phúc khảo mới tiến hành xét điểm chuẩn lần hai. Một điểm khác biệt đáng lưu ý là năm nay học sinh không được phép thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm thi, điều này khác với những năm trước.

    Các Trường THCS tổ chức nhiều chuyên đề giáo dục phát huy năng lực học sinh lớp 9

     

    Phóng viên: Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025-2026 sẽ chính thức diễn ra. Vậy, đồng chí có thể cho biết, đến thời điểm này, Sở GD- ĐT đã chuẩn bị những gì để kỳ tuyển sinh diễn ra an toàn, tốt đẹp, hiệu quả?

    Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Quốc Hiệu: Để kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được tổ chức diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND thành phố thành lập Ban chỉ đạo thi thành phố, xây dựng kế hoạch, tuỳ theo chức năng nhiệm vụ của các sở,ban, ngành để phân công nhiệm vụ cụ thể rõ người, kín việc, rõ trách nhiệm.

    Trong đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban chỉ đạo, các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận huyện nằm trong ban chỉ đạo. Sở GD-ĐT là cơ quan chủ trì đã chủ động tham mưu và triển khai thực hiện đồng bộ các khâu tổ chức kỳ thi.

    Thứ nhất, về xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức kỳ thi, môn thi, thời gian thi, cấu trúc đề, ngày thi, giờ thi từng môn thi, chỉ tiêu tuyển sinh từng trường, danh mục các kỳ thi học sinh giỏi được xét tuyển thẳng…đã được thông báo công khai sớm đến các em thông qua các phòng giáo dục, các nhà trường và các phương tiện thông tin báo, đài, cổng thông tin.

    Thứ hai, về tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ: Sở đã tổ chức các hội nghị tập huấn tập huấn về quy chế, nghiệp vụ tổ chức thi, quản lý phần mềm tuyển sinh cho đội ngũ lãnh đạo; cán bộ tuyển sinh và cán bộ, giáo viên tham gia các khâu của kỳ thi. Lựa chọn địa điểm đặt hội đồng thi đảm bảo đủ cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu tổ chức thi, bảo đảm an ninh an toàn; cho học sinh đăng ký dự thi trực tuyến, sắp xếp số báo danh, phòng thi; thành lập các hội đồng thi; chuẩn bị lực lượng cán bộ, giáo viên làm công tác ra đề, in sao,coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo.

    Thứ ba, về đăng ký dự thi, thí sinh đăng ký dự thi được cập nhập trực tuyến trên phần mềm quản lý thi , thông tin về số lượng thí sinh đăng ký dự thi của các trường được cập nhật liên tục và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của ngành.

     Thứ tư, về công tác ra đề, coi thi, chấm thi: Ngoài thực hiện nghiêm quy chế, quy trình thi sở giáo dục cũng quan tâm việc lựa chọn cán bộ làm thi có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn và có kinh nghiệm để thực hiện. Ngoài ra tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng đặc biệt là công an thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm nghiêm túc, công bằng khách quan.

    Thứ năm, về công bố kết quả thi và công tác xét tuyển: Sau khi có kết quả thi, căn cứ chỉ tiêu thành phố giao, nguyện vọng đăng ký của thí sinh, kết quả thi để xét tuyển thí sinh đỗ vào các trường. Việc xét được thực hiện bằng phần mềm dưới sự giám sát của thanh tra, kết quả được thông báo công khai kịp thời đến thí sinh.

     Ngoài ra , Ban chỉ đạo thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của nhân dân những vấn đề liên quan đến kỳ thi để giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong suốt quá trình tổ chức kỳ thi.

    Phóng viên: Thời điểm này chính là giai đoạn quan trọng nhất đối với thí sinh và nhà trường, khi các em đang trong khoảng thời gian ôn thi nước rút. Sở GD- ĐT có chỉ đạo như thế nào với các đơn vị THCS trong việc đồng hành ôn tập cho học sinh (nhất là khi thời gian học thêm của học sinh đã cắt giảm rất nhiều so với trước khi thông tư 29 có hiệu lực), thưa đồng chí?

     Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Quốc Hiệu: Ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng chương trình nhà trường, bố trí sắp xếp giảng dạy đảm bảo tiến độ, chất lượng của tất cả các môn học . Các đơn vị giáo dục cũng đã bám sát sự chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, bố trí các giáo viên tâm huyết, chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm để giảng dạy cho các em lớp 9.

    Cùng với đó, Sở đã tổ chức nhiều chuyên đề , hội thảo về đổi mới phương pháp, đổi mới kiểm tra đánh giá, chuyển từ đánh giá kiến thức kỹ năng sang đánh giá năng lực học sinh giúp các thầy cô, các em học sinh tiếp cận nội dung, làm quen với nội dung, cách thức của đề thi theo chương trình mới.

     Thực tế, sau khi Thông tư 29 có hiệu lực từ ngày 14/2/2025 và đi vào đời sống, kế hoạch, chương trình giảng dạy mà các trường xây dựng từ đầu năm đối mặt không ít xáo trộn, thay đổi. Vì vậy, để hướng dẫn các đơn vị thực hiện nghiêm Thông tư 29, đồng thời vẫn bảo đảm ôn tập trang bị đầy đủ kiến thức cho các em trước khi bước vào kỳ thi, Sở GD-ĐT đã có các văn bản chỉ đạo, tổ chức các cuộc hội thảo định hướng, chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch nhà trường để các đơn vị triển khai thực hiện một cách hiệu quả.

    Theo đó, các trường tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm là: Xây dựng kế hoạch ôn tập tổng thể của nhà trường và kế hoạch chi tiết của từng tổ/nhóm chuyên môn, từng giáo viên ngay từ sớm. Kế hoạch này cần bám sát cấu trúc đề thi đã ban hành, đồng thời phải linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị.

    Đặc biệt, việc phân loại đối tượng học sinh (theo năng lực: yếu, trung bình, khá, giỏi) để xây dựng nội dung, phương pháp và phân bổ thời lượng ôn tập phù hợp cho từng nhóm đối tượng. Để đáp ứng yêu cầu của kỳ thi theo định hướng phát triển năng lực, việc đổi mới phương pháp dạy học và ôn tập là rất quan trọng.

    Các nhà trường, các thầy cô cần tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh; chú trọng rèn luyện kỹ năng tự học, kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề. Cần đa dạng hóa các hình thức ôn tập, kết hợp giữa ôn tập trên lớp với hướng dẫn tự học, sử dụng các công cụ hỗ trợ như sơ đồ tư duy, học liệu điện tử, các phần mềm ôn tập trực tuyến.

    Bên cạnh đó, tăng cường hiệu quả các giờ dạy chính khoá, đồng thời tận dụng tối đa hai tiết ôn tập theo quy định Thông tư 29 để kiểm tra, hướng dẫn học sinh học tập hướng dẫn và giao bài về nhà, kiểm tra những phần kiến thức đã giao cho học sinh đồng thời bổ khuyết những phần kiến thức mà học sinh còn thiếu, còn yếu.

    Đồng thời, tổ chức khảo sát, thi thử nghiêm túc, hiệu quả:  giúp học sinh làm quen với cấu trúc đề, áp lực thời gian, rèn luyện kỹ năng làm bài và tâm lý phòng thi. Kết quả các kỳ thi thử cũng là căn cứ quan trọng để giáo viên, nhà trường và bản thân học sinh đánh giá mức độ tiến bộ, xác định điểm mạnh, điểm yếu và có sự điều chỉnh kế hoạch ôn tập kịp thời; cũng như có cơ sở tư vấn, định hướng cho học sinh chọn nguyện vọng phù hợp. Ngoài ra, các trường cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp hướng dẫn học sinh ôn tập, tự nghiên cứu, khai thác hiệu quả các nguồn học liệu…

    Một điều đáng lưu ý nữa, đó là thành công của công tác ôn thi không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của nhà trường và học sinh mà còn cần sự quan tâm, chăm sóc, ủng hộ của gia đình. Ngành GD-ĐT thành phố tin tưởng rằng, với sự nỗ lực của thầy cô, học sinh cùng sự đồng hành của phụ huynh, các em sẽ đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới.

    Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

    PHƯƠNG LINH thực hiện 

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông