12:25 07/05/2025 Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi xanh đối với mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội để thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh lương thực bền vững, thời gian qua, huyện Kiến Thụy đã có nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, từng bước xây dựng lối sống xanh, xanh hóa nền kinh tế nông nghiệp, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tạo môi trường sống tốt, thân thiện với tự nhiên.
Khái niện về “chuyển đổi xanh” đối với một bộ phận người dân nông thôn còn khá mới mẻ. Để tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong nhận thức đến hành động của các cấp chính quyền, đoàn thể và mọi tầng lớp Nhân dân, thời gian qua, huyện Kiến Thụy đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân. Trong đó, địa phương đã tập trung tuyên truyền, lồng ghép tích hợp truyền thông về vai trò, ý nghĩa tăng trưởng xanh với phổ biến những quy định, chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh và trách nhiệm của xã hội.
Đồng thời, khuyến khích những hành động thiết thực về lối sống, tiêu dùng xanh hài hòa với thiên nhiên gắn với các giá trị văn hóa truyền thống, chống chịu với biến đổi khí hậu, thiên tai trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Đơn cử như chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh mua sắm công xanh, hạn chế rác thải nhựa, từng bước đổi mới hoạt động dịch vụ công theo hướng xanh cũng được địa phương chú trọng tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, trường học và người dân.
Đáng chú ý, với vai trò là cơ quan thường trực, Phòng Nông nghiệp & Môi trường huyện đã làm tốt công tác tham mưu với UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường (VSMT), phân loại, thu gom xử lý rác thải rắn sinh hoạt. Trên cơ sở đó, đơn vị đã chủ động phối hợp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, sử dụng phương pháp ủ phân mùn hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh đối với rác thải hữu cơ, sử dụng túi nilon phân hủy sinh học để bảo vệ môi trường trên địa bàn các xã, thị trấn.
Rác thải sinh hoạt được phân loại, thu gom, xử lý
Riêng quý I/2025, Phòng Nông nghiệp & Môi trường huyện đã tổ chức hội nghị tuyên truyền phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, hướng dẫn làm chế phẩm vi sinh (IMO) để xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình thu hút sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của trên 500 đại biểu.
Đơn vị treo trên 300 pano, khẩu hiệu, băng rôn tuyên truyền về Luật bảo vệ môi trường năm 2020, nội dung hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt, xử phạt hành chính theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 trên các tuyến đường trục chính, trụ sở UBND huyện, UBND các xã, thị trấn. Nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn nên theo rà soát khối lượng rác thải rắn sinh hoạt 2 tháng đầu năm 2025 của huyện giảm 15-20% so với cùng kỳ năm 2024.
Và một trong những nỗ lực không thể không kể đến trong hành trình chuyển đổi xanh của huyện là địa phương đã đẩy mạnh xanh hóa nền kinh tế nông nghiệp. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN, sử dụng giống chất lượng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sản xuất theo hướng hữu cơ, tính đến nay, trên địa bàn huyện Kiến Thụy đã có 45,8 ha diện tích lúa, rau màu các loại được chứng nhận VietGAP, hữu cơ.
Rác thải sinh hoạt được phân loại, thu gom, xử lý
Tiêu biểu có thể kể đến các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản, tăng thu nhập cho bà con nông dân trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác, đồng thời đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng như: mô hình trồng sen tại Hữu Bằng (4,1 ha), rau xã Thụy Hương (5 ha), Nếp xoắn xã Tân Trào (20 ha), rau xã Tú Sơn (1,2ha), ổi xã Đoàn Xá (3ha). Hay mô hình 15 ha diện tích cấy lúa ruộng rươi tại xã Ngũ Phúc được chứng nhận hữu cơ…
Cùng với đó, là một số mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao góp phần giảm thiểu dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng đã được huyện Kiến Thụy xây dựng thành công. Đơn cử phải kể đến như mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học tại xã Đại Hà với diện tích chuồng trại khoảng 5.000 m2, mỗi lứa nuôi trên 20.000 con gà thịt. Hay mô hình chăn nuôi vịt bầu lai cánh trắng an toàn sinh học tại xã Ngũ Phúc, quy mô 4.100 con/lứa.... T
Tất cả những mô hình trên đã, đang phát huy hiệu quả thiết thực trong thực tiễn sản xuất, chăn nuôi, góp phần thúc đẩy tiến trình xanh hóa nền kinh tế nông nghiệp của huyện.
Bình Huệ
Hải Phòng rực rỡ cờ hoa chào đón các ngày lễ lớn trong tháng 5 lịch sử
Lan tỏa tình yêu biển đảo, hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát biển đến với thiếu nhi thành phố Cảng
Thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính trên địa bàn Hải Phòng