Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo cài ứng dụng VNeID giả mạo

10:08 05/07/2025

Lợi dụng việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025, các đối tượng lừa đảo đã mạo danh các cơ quan quản lý nhà nước như: cảnh sát khu vực, cán bộ phụ trách hộ tịch của xã/phường mới, gọi điện hướng dẫn người dân truy cập đường dẫn hoặc cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo có chứa mã độc nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại, qua đó chiếm đoạt tài sản của người dân.

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là: Gọi điện bằng thuê bao di động thông thường hoặc tổng đài ảo giả mạo danh nghĩa cơ quan, tổ chức giới thiệu là cán bộ UBND xã/phường, cảnh sát khu vực… thông báo về việc thay đổi bộ máy hành chính, đề nghị người dân cập nhật thông tin mới.

Các đối tượng đã thu thập thông tin cá nhân của người dân từ trước và đưa ra để tạo niềm tin trước khi yêu cầu thực hiện theo hướng dẫn của chúng. Đối tượng yêu cầu người dân truy cập vào đường dẫn do chúng cung cấp hoặc cài đặt ứng dụng VNeID, dịch vụ công giả mạo có chứa mã độc. Sau khi ng

Người dân đã truy cập hoặc cài đặt ứng dụng, chúng đã chiếm quyền điều khiển thiết bị, tiếp tục dẫn dụ người dân làm theo hướng dẫn để tìm cách lấy mã OTP tài khoản ngân hàng hoặc dụ người dân nhìn vào điện thoại nhằm lấy dữ liệu sinh trắc học, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người dân. 

Để ngăn chặn các hình thức lừa đảo tương tự, tại Hải Phòng, các đơn vị Công an xã, phường đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, tổ dân phố, tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tuyên truyền phòng chống lừa đảo qua ứng dụng giả mạo. Nhiều địa phương đã tổ chức các buổi tuyên truyền tại tổ dân phố, trường học, doanh nghiệp về cách nhận diện ứng dụng thật - giả.

Ngoài ra, một số phường như: Lê Chân, Hồng Bàng còn dán bảng cảnh báo tại khu dân cư, phát tờ rơi, gửi tin nhắn zalo để cảnh báo người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, ít tiếp cận công nghệ.

Mới đây, chị Nguyễn Thị Lan (phường Hồng Bàng) nhận được tin nhắn mời cài đặt ứng dụng VNeID mới, nhưng do chị đã được cán bộ tổ dân phố cảnh báo nên không làm theo. Chị cũng khuyến cáo mọi người cẩn trọng hơn, tránh bị mất tiền vì cài nhầm ứng dụng.

Có thể thấy, các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, khó lường. Chúng sử dụng rất nhiều chiêu thức lừa đảo khác nhau nhắm vào nạn nhân không chỉ là người già hay những người ít hiểu biết về công nghệ, mà các đối tượng còn hướng tới nhóm học sinh, sinh viên, kể cả những cán bộ công chức.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hải Phòng khuyến cáo người dân tuyệt đối không làm theo yêu cầu qua điện thoại của các đối tượng gọi điện tự xưng là cán bộ xã/phường, cảnh sát khu vực… Nếu cần hỗ trợ cài đặt hoặc xác thực thông tin, người dân nên đến trực tiếp trụ sở công an cấp xã, phường hoặc Trung tâm phục vụ hành chính công nơi mình sinh sống để được hướng dẫn.

Đồng thời tuyên truyền, vận động gia đình, bạn bè, người thân cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn trên. Trường hợp người dân đã truy cập đường dẫn hoặc cài ứng dụng chứa mã độc, ngay lập tức liên hệ với ngân hàng để khóa tài khoản và tắt nguồn điện thoại, không để các đối tượng có cơ hội lấy được mã OTP ngân hàng hoặc dữ liệu sinh trắc học. Người dân cần trình báo cơ quan Công an nơi gần nhất khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Trong thời đại công nghệ số ngày càng phát triển, mỗi người dân hãy là “lá chắn” đầu tiên trong việc bảo vệ an toàn dữ liệu cá nhân, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên không gian mạng. Hãy cảnh giác và chủ động phòng ngừa trước khi quá muộn!

NGÔ CHI

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông